Chuyên gia: Dạy sinh viên dùng AI mà thiếu phản biện là ‘dao hai lưỡi’

Chuyên gia: Dạy sinh viên dùng AI mà thiếu phản biện là ‘dao hai lưỡi’

Tại hội nghị Shidler Global Leadership Summit 2025 diễn ra sáng 5-7 tại TP.HCM, các chuyên gia, nhà điều hành và học giả quốc tế đã cùng nhau tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp Việt Nam. Sự kiện do Đại học Hawaii (Mỹ) và Trường đại học Văn Lang phối hợp tổ chức, diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động và chuỗi cung ứng đang được tái định hình.

Việt Nam trước cơ hội ‘Đổi mới 2.0’

Ông Jonathan Moreno, phó chủ tịch Diversatek Healthcare (Mỹ), nhận định rằng Việt Nam không còn chỉ là một điểm đến sản xuất hiệu quả mà hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trung tâm giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều chuyên gia gọi đây là cuộc “Đổi mới 2.0”.

Ông Moreno phân tích, sau cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhiều tập đoàn quốc tế, bao gồm cả Diversatek, đã chủ động tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Câu hỏi không còn là ‘có chuyển dịch hay không’, mà là ‘chuyển dịch như thế nào cho hiệu quả và bền vững’. Việt Nam rõ ràng là lựa chọn chiến lược trong bài toán đó,” ông nói.

Tuy nhiên, để không bị mắc kẹt trong vai trò công xưởng, Việt Nam cần một bước chuyển quan trọng về tư duy quản trị: từ kiểm soát sang kiến tạo, từ xử lý tình huống sang hoạch định chiến lược. Doanh nghiệp Việt sẽ cần những nhân sự có năng lực:
– Điều phối chuỗi cung ứng
– Quản lý dự án
– Kết nối toàn cầu

Ông tin rằng nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 1,5 lần trong vòng 12 tháng. Để làm được điều này, cần một thế hệ lao động “ngoài làm được việc còn có khả năng học hỏi, đổi mới và dẫn dắt”.

Đại học cần dạy gì: AI và tư duy phản biện

Từ góc độ giáo dục, tiến sĩ Tùng Bùi, giám đốc Chương trình VEMBA tại Trường Kinh doanh Shidler (Đại học Hawaii), nhấn mạnh rằng “Đổi mới 2.0” chỉ thành công nếu Việt Nam thay đổi cách chuẩn bị nguồn nhân lực.

“Tôi tin vai trò của các trường đại học lúc này cực kỳ quan trọng. Nếu không thay đổi nội dung và cách dạy, chúng ta sẽ không có lực lượng đủ sức thích ứng với môi trường mới,” ông nhận định.

Theo ông, việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình đào tạo không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Ông dẫn chứng tại Đại học Hawaii, sinh viên kinh tế đã được học cách ứng dụng AI vào phân tích và ra quyết định ngay từ đầu.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về nguy cơ từ việc lạm dụng AI. Một nghiên cứu của MIT (Mỹ) đã chỉ ra rằng những sinh viên quá phụ thuộc vào AI có xu hướng suy giảm năng lực phản biện. “Nếu chúng ta chỉ dạy sinh viên cách dùng AI mà không dạy họ đặt câu hỏi, phản biện và đánh giá thông tin thì AI sẽ điều khiển người dùng, thay vì ngược lại,” ông nói. Do đó, chương trình giáo dục hiện đại phải kết hợp cả năng lực công nghệ và tư duy phản biện.

Chất lượng nhân lực: Lợi thế cạnh tranh bền vững

Đồng quan điểm, ông Christian Pham, phó tổng giám đốc Tập đoàn DACOTEX (Pháp), cho rằng Việt Nam phải đầu tư quyết liệt vào chất lượng nguồn nhân lực để vượt qua các thách thức về thuế quan và cạnh tranh toàn cầu.

“Chi phí lao động rẻ không còn là lợi thế nữa. Nhà đầu tư giờ quan tâm đến việc bạn có đội ngũ linh hoạt, biết học, biết chuyển đổi hay không,” ông nhận định. Ông nhấn mạnh rằng yếu tố con người là nền tảng cho mọi cải tiến, từ sản xuất xanh đến chuyển đổi số.

Ông Christian Pham đề xuất Việt Nam nên khuyến khích mạnh mẽ hơn mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học để đào tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế. Theo ông, xu hướng chung của doanh nghiệp là không cần quá nhiều người, nhưng cần một đội ngũ có khả năng phát triển liên tục.

Ông kết luận, “liều thuốc” tốt nhất để chống lại biến động toàn cầu chính là một thế hệ lao động có tư duy mở, tinh thần đổi mới và trách nhiệm cộng đồng. Đây là lợi thế bền vững mà không quốc gia nào có thể sao chép.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *